Bầu bí là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm của phụ nữ. Bà bầu không chỉ thay đổi về vóc dáng, sức khỏe, sinh lý mà tâm lý cũng thay đổi không nhỏ. Dễ bực bội, mệt mỏi, trầm uất, cảm thấy tự ti, … đây là biểu hiện của rất nhiều phụ nữ mang thai. Đứng trước sự thay đổi tâm tính của người vợ cùng cảm giác được làm cha, người chồng cũng ảnh hưởng tâm lý không nhỏ. Cùng tìm hiểu về tâm lý chồng khi vợ mang thai sẽ như thế nào để hiểu hơn với nửa kia, cùng chia sẻ cảm xúc vui sướng, hạnh phúc nhưng cũng không ít áp lực này nhé!
1. Buồn vui đan xen
“Em có thai rồi!” Đây là câu thông báo mà khiến nhiều chàng trai ngỡ ngàng nhất, ngay cả khi người thông báo là vợ chính thức. Cảm xúc ban đầu là bàng hoàng, dù đây là tin vui, nhất là với những ông bố trẻ, lần đầu lên chức cha.
Cảm giác vui buồn đan xen, vui vì sắp được làm cha còn buồn, lo lắng vì không biết phải làm gì tiếp theo. Không biết cảm giác phải chăm sóc vợ bầu như thế nào? Chăm sóc vợ bầu có thực sự khó như những ông chồng khác vẫn chia sẻ?
Sự bồn chồn, lo lắng của người chồng nếu không được chia sẻ, lâu ngày tích tụ cũng sẽ dẫn đến cáu gắt, thậm chí là trầm cảm như phụ nữ mang thai. Vậy nên mẹ bầu cần tinh tế để ý đến cảm nhận của chồng, không phải chồng không thích em bé, đơn giản là họ đang có chút lo lắng khi bỗng nhiên làm cha. Hãy cho họ thời gian, rất nhanh thôi niềm vui sẽ che lấp nỗi lo lắng.
2. Mệt mỏi, stress
Không nhiều ông chồng gặp phải vấn đề này nhưng vẫn có những ông chồng gặp vấn đề tâm lý nặng hơn cả vợ. Nếu người vợ chịu áp lực về sự thay đổi trong cơ thể thì người chồng lại bắt đầu lo lắng về các vấn đề như kinh tế sau khi có con, chăm sóc vợ mang bầu, làm thế nào để trở thành một người cha tốt? Sẽ có lúc mẹ bầu thấy chồng cáu gắt hơn giai đoạn trước đây, cũng nên thông cảm vì trên vai họ sẽ thêm trách nhiệm, thêm áp lực.
3. Cảm thấy tủi thân
Đây là tâm lý chồng khi vợ mang thai khá phổ biến, sau khi có thai, mẹ bầu thường dành thời gian chăm sóc em bé, trò chuyện với con có thể nhiều hơn chồng. Vậy nên người chồng sẽ có cảm giác bị bỏ rơi, không được quan tâm, chăm sóc.
Nếu trước đây, vợ cưng chiều ông xã nhất thì bây giờ mọi sự yêu chiều đều được chuyển qua cho em bé. Mặc dù đã là người đàn ông trưởng thành nhưng ông xã của bạn những lúc chỉ có 2 vợ chồng lại chẳng khác gì đứa trẻ cả. Mẹ bầu cần quan tâm đến cảm xúc của ông xã nhiều hơn nhé, thay vì dành quá nhiều thời gian chăm sóc em bé trong bụng, hãy kéo chồng vào cuộc nói chuyện giữa 2 mẹ con, để chồng cùng cảm nhận nhịp đập của con, cảm nhận con đạp chân, … Chồng bạn sẽ không còn cảm thấy bị “ra rìa” nữa.
>>> Xem thêm: Xem rốn đoán sinh con trai hay gái có chính xác không?
4. Bí bách vì phải “nhịn”
Gần như trong suốt thời gian vợ mang thai, ông xã không được thỏa mãn về chuyện ấy nên cảm giác bức bối trong cơ thể là điều khó tránh khỏi. Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến chồng có thể cáu gắt, nặng lời khi nói chuyện với vợ.
Vợ hãy tinh tế hỏi han, chăm sóc ông xã, nếu tình trạng thai nhi và mẹ bầu hoàn toàn ổn về sức khỏe thì chuyện chăn gối của 2 vợ chồng vẫn có thể thực hiện nhưng nhẹ nhàng là được. Còn với những bà bầu được bác sĩ chỉ định “cấm tiệt” chuyện ấy thì cũng nên thẳng thắn trao đổi với chồng về tình hình sức khỏe, có thể giúp chồng xử lý bằng 1 số cách khác.
5. Phải về nhà sớm hơn
Nếu như trước đây khi cưới vợ về, gần như chuyện nhà cửa, bếp núc đều được vợ lo lắng, quán xuyến hết thì nay người chồng sẽ phải san sẻ, thậm chí là đảm nhận chính. Mọi cuộc vui của chồng, những cuộc gặp mặt bạn bè, những lần hẹn nhậu cũng phải thưa dần với lý do về nhà nấu cơm cho vợ.
Chính vì phần lớn thời gian “chơi” của chồng bị cắt mất cho nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý ông xã. Mẹ bầu cũng nên thông cảm, ban ngày chồng cũng đi làm kiếm tiền vất vả, chiều tối về sớm nấu cơm, dọn nhà phụ vợ, ấm ức là điều chắc chắn có. Bà xã hãy khéo léo yêu thương ông xã nhiều hơn, cư xử với ông xã nhẹ nhàng hơn, chắc chắn ông xã sẽ vui vẻ làm việc nhà mà không quạu.
Trên đây là một vài tâm lý chồng khi vợ mang thai, đây là 5 trạng thái cảm xúc rất cơ bản của ông xã. Cũng giống như chị em, khi điều kiện sống, hoàn cảnh sống được dự báo sẽ thay đổi trong tương lai thì việc tâm lý biến đổi là không tránh khỏi. Cách tốt nhất để cả 2 vợ chồng cùng cân bằng lại cảm xúc khi được lên làm cha, mẹ là thẳng thắn chia sẻ về tâm trạng hiện tại, thấu hiểu đối phương và cùng nhau vượt qua. Có như vậy thì dù điều kiện có khó khăn thế nào, có thay đổi ra sao cũng sẽ dễ để chấp nhận hơn.