Tam cá nguyệt thứ 2 là gì? Chắc hẳn có nhiều ba mẹ vẫn còn bỡ ngỡ về khái niệm này: tam cá nguyệt thứ 2 là giai đoạn được tính từ tuần 13 đến hết tuần thứ 27 của thai kỳ. Trong 3 tháng giữa này, bác sĩ đã có thể nhận biết được giới tính của thai nhi và mẹ cũng sẽ cảm nhận được những cử động của thai nhi.
Các bước phát triển của thai nhi trong 3 tháng giữa
-
Tuần thứ 13: hình thành nước tiểu
Ở tuần thứ 13 (tương đương tuần thứ 11 sau khi thụ tinh), bắt đầu có hiện tượng thai nhi uống nước ối và bài xuất nước tiều vào buồng ối, sau đó, lại uống nước ối tạo thành chu kỳ.
Giai đoạn này, xương của thai nhi dần trở nên cứng chắc hơn, nhất là phần xương sọ và các xương dài. Da của thai nhi sớm dày lên so với trước.
-
Tuần thứ 14: nhận biết được giới tính thai nhi
Trong tuần 14 của thai kỳ (12 tuần sau thụ tinh), cổ của thai nhi được hình thành và chi dưới cũng phát triển hơn. Lách của thai nhi bắt đầu sản sinh hồng cầu.
Ở tuần này và các tuần kế tiếp của quá trình mang thai 3 tháng giữa, các bác sĩ sẽ có thể nhận biết giới tính thai nhi một cách rõ ràng mặc dù ngay từ khi thụ tinh giới tính thai nhi đã được xác đinh.
Thời điểm này, chiều dài thai nhi khoảng 87 mm và nặng khoảng 45 g.
-
Tuần thứ 15: da đầu có tóc phát triển
Tuần thứ 15 của tam cá nguyệt thứ 2 (tương đương 13 tuần sau thụ tinh), thai nhi sẽ phát triển rất nhanh. Xương tiếp tục phát triển hơn nữa, và sẽ có thể nhìn thấy dưới hình ảnh siêu âm sau một thời gian nữa. Phần da đầu có tóc của thai nhi cũng bắt đầu hình thành.
-
Tuần thứ 16: mắt của thai nhi bắt đầu cử động
Ở tuần thứ 16 của thai kỳ (khoảng 14 tuần sau thụ tinh), lúc này đầu của thai nhi cứng lên. Mắt của thai nhi đã có thể chuyển động từ từ và tai của thai nhi cũng tiến vào những bước hoàn thiện cuối cùng.
Bên cạnh đó, tứ chi của thai nhi có khả năng chuyển động cùng nhau và có thể nhìn thấy trong quá trình siêu âm. Mặc dù vậy, những vận động này còn quá nhỏ nên thai phụ sẽ khó cảm nhận được.
Giai đoạn này, thai nhi có chiều dài khoảng 120 mm và nặng khoảng 110 g.
-
Tuần thứ 17: móng chân bắt đầu phát triển
Ở tuần thứ 17 của thai kỳ (tương đương 15 tuần sau thụ tinh), khi này móng chân của thai nhi bắt đầu xuất hiện.
Thai nhi trong buồng ối cũng vận động nhiều hơn, bắt đầu lăn, xoay, lật. Trái tim thai nhi giờ đây có thể bơm khoảng 100 pint máu mỗi ngày (~ 47 – 48 lít máu mỗi ngày).
-
Tuần thứ 18: thai nhi đã có khả năng nghe
Trong tuần thứ 18 của thai kỳ (khoảng 16 tuần sau thụ tinh), phần tai của thai nhi lồi ra bên ngoài, thai nhi bắt đầu có khả năng nghe. Mắt của thai nhi nhìn về phía trước, và hệ tiêu hóa cũng dần hoạt động.
Tại tuần thứ 18 của thai kỳ, chiều dài của thai nhi khoảng 140 mm và nặng khoảng 200 g.
-
Tuần thứ 19: lớp bảo vệ da thai nhi phát triển
Ở tuần thứ 19 của thai kỳ (17 tuần sau thụ thai), thai nhi phát triển chậm lại.
Thời điểm này, một lớp trơn nhờn, giống như pho mát xuất hiện, bao phủ lên da thai nhi gọi là lớp chất gây (vernix caseosa). Lớp chất gây này có tác dụng bảo vệ làn da nhạy cảm của thai nhi trước sự ma sát, nứt nẻ hoặc dày cứng do tiếp xúc với dịch ối.
Đặc biệt đối với thai nhi nữ, tử cung và khoang âm đạo bắt đầu hình thành trong tam cá nguyệt thứ 2.
-
Tuần thứ 20: một chặng đường đã qua
Trong tuần thứ 20 của thai kỳ (18 tuần sau thụ tinh), đánh dấu một nửa chặng đường mang thai đã qua, thai phụ đã có thể cảm nhận được sự cử động của thai nhi. Thai nhi sẽ luân phiên ngủ và thức tỉnh, tất nhiên, thai nhi có thể bị đánh thức dậy bởi tiếng ồn hoặc các cử động của thai phụ.
Khi này, chiều dài của thai nhi khoảng 260 mm và nặng khoảng 320 g.
-
Tuần thứ 21: thai nhi có thể mút tay
Đây là giai đoạn tương đương 19 tuần sau thụ tinh, khi này, toàn thân thai nhi được bao phủ bởi một lớp lông tơ mềm. Lớp lông tơ này sẽ giúp giữ lớp chất gây trên da thai nhi.
Phản xạ mút của thai nhi cũng được hình thành. Thai nhi sẽ có hành động mút ngón tay cái.
-
Tuần thứ 22: nhìn thấy tóc thai nhi
Ở tuần thứ 22 của thai kỳ (20 tuần sau thụ tinh), tóc và lông mày thai nhi đã có thể nhìn thấy được. Lớp mỡ nâu đã hình thành có vai trò giữ nhiệt.
Đối với thai nhi nam, tinh hoàn bắt đầu di chuyển xuống dưới.
Khi này, chiều dài thai nhi vào khoảng 280 mm và nặng khoảng 460 g.
-
Tuần thứ 23: hình thành vân tay và vân chân
Đây là khoảng thời gian quan trọng khi mang thai 3 tháng giữa. Trong tuần thứ 23 của thai kỳ (21 tuần sau thụ tinh) mắt thai nhi dần có những chuyển động nhanh. Nhiều đường rãnh bắt đầu xuất hiện ở bàn tay và bàn chân, đó là vân tay và vân chân của bé.
Thai nhi có thể bắt đầu xuất hiện nấc, gây ra những chuyển động giật đột ngột.
-
Tuần thứ 24: da thai nhi xuất hiện nếp nhăn
Tuần thứ 24 của thai kỳ (22 tuần sau thụ tinh) da thai nhi có nếp nhăn và không còn trong suốt như trước, có màu hồng hoặc đỏ (là màu của máu trong các mao mạch).
Chiều dài của thai nhi trong giai đoạn này vào khoảng 300 mm và nặng khoảng 630 g.
-
Tuần thứ 25: thai nhi có thể đáp lại lời mẹ
Ở tuần thứ 25 của thai kỳ (23 tuần sau thụ tinh), thai nhi biết cử động để đáp lại những âm thanh quen thuộc như giọng nói của mẹ.
Giấc ngủ của thai nhi lúc này đa phần là pha ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) (là một pha của giấc ngủ, khi đó nhãn cầu chuyển động rất nhanh dù mắt vẫn nhắm).
-
Tuần thứ 26: phổi thai nhi phát triển
Giai đoạn tuần thứ 26 của thai kỳ, phổi của thai nhi sản xuất surfactant – đây là một chất giữ cho các phế nang có thể giãn ra khi hít vào và không bị xẹp hay dính khi thở ra.
Ở thời điểm này, chiều dài của thai nhi vào khoảng 360 mm và nặng khoảng 760 g.
-
Tuần thứ 27: khép lại thời kỳ 3 tháng giữa (tam cá nguyệt thứ hai)
Đây là cột mốc kết thúc mang thai ba tháng giữa. Thời điểm này, hệ thần kinh của thai nhi tiếp tục trưởng thành. Lớp mỡ của thai nhi bắt đầu xuất hiện, khiến cho da của thai nhi trông mịn, mượt hơn.
Trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, đa số các mẹ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Mẹ đã có thể tạm biệt những cơn ốm nghén gần như làm mẹ cạn kiệt sức lực ở giai đoạn đầu và trở nên ổn hơn, mẹ gần như trở về với trạng thái sức khỏe bình thường.