Như các mẹ đã biết, ăn dặm là giai đoạn quan trọng của trẻ nhỏ. Ở giai đoạn này, bé không chỉ được cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng mà bé còn được làm quen với mùi vị thức ăn, ảnh hưởng đến khẩu vị của bé sau này. Vậy, khi nào nên cho bé ăn dặm, ăn như thế nào, ăn ra sao và các giai đoạn ăn dặm của bé… là câu hỏi mà các bà mẹ nuôi con nhỏ luôn thắc mắc.
Trẻ được 4-6 tháng là đã thích hợp cho việc tập ăn dặm. Vì cơ thể trẻ 4 tháng đầu chưa có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột, nên nếu cho trẻ ăn dặm giai đoan này sẽ dễ làm trẻ đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy… Ngược lại nếu cho trẻ ăn dặm muộn sau 6 tháng, có thể dẫn đến khả năng trẻ bị đứng cân, tăng trưởng chậm.
Tìm hiểu các giai đoạn ăn dặm của bé
Việc ăn dặm của trẻ được chia làm 4 giai đoạn cụ thể, bắt đầu từ tháng thứ 4 và kết thúc khi trẻ được 15 tháng tuổi.
Giai đoạn 1: Từ 4 – 6 tháng tuổi
Các bác sỹ sẽ giúp chúng ta xác định chính xác khi nào một đứa trẻ sẵn sàng làm quen với thực phẩm mới không phải là sữa mẹ. Bố mẹ cũng không phải lo lắng nếu 4 tháng tuổi, con chỉ muốn uống sữa mẹ hoặc sữa công thức bởi vì hầu hết các em bé chỉ thật sự sẵn sàng cho việc tập ăn dặm từ 5 đến 6 tháng.
Bố mẹ nên đợi hai đến ba ngày sau khi tập cho bé ăn thực phẩm mới đổi sáng món tiếp theo cho bé. Bằng cách này, nếu bé bị dị ứng hoặc đau dạ dày một chút, bạn sẽ có thể xác định nguyên nhân đến từ thực phẩm nào.
Đừng ngạc nhiên, nếu bé không có sở thích rõ ràng hoặc tỏ ra không hứng thú với thực phẩm rắn. Điều này hoàn toàn bình thường vì bố mẹ phải tập quen với việc kiên trì cho bé thử thực phẩm mới từ 15 đến 20 lần trước khi con bắt đầu thích nó hoặc muốn thử ăn nó. Hãy kiên nhẫn nhé! Trong giai đoạn này, con vẫn cần 5 đến 6 phần sữa mẹ (không bao gồm sữa mẹ đã được cho thêm vào ngũ cốc) hoặc 24 – 40 ounce sữa công thức mỗi ngày (1 ounce = 28 g).
Giai đoạn 2: Từ 6 – 9 tháng tuổi
Giai đoạn từ 6 đến 9 tháng, các bé đã khá thành thạo với các loại thực phẩm dành cho trẻ em, bạn có thể cho các con làm quen với những loại thức ăn có hình thù đặc trưng bao gồm cả các loại thịt đã nghiền – nguồn cung cấp Protein và Sắt dồi dào. Bắt đầu từ 2 đến 4 muỗng canh thịt mỗi khẩu phần và cố gắng cho con ăn 1 – 2 phần mỗi ngày và nguyên tắc khi cho trẻ tập ăn vẫn là kiên nhẫn giới thiệu từng bước một và từng bước một.
Ở thời kì này, em bé có thể muốn thử một số thức ăn nhỏ bằng ngón tay. Bố mẹ có thể cho con bắt đầu bằng mẫu bánh nhỏ, bánh mỳ nướng hoặc bánh quy giòn. Các loại trái cây và rau củ mềm như bơ và chuối cũng là gợi ý lý tưởng cho giai đoạn ăn dặm của trẻ từ 6 – 9 tháng tuổi.
Đầu tiên, bố mẹ sẽ phải hướng dẫn cho con cách đưa thức ăn vào miệng, theo thời gian, bé sẽ cảm thấy thích thú với việc tự hoàn thiện những kỹ năng ăn uống cho bản thân. Khi con học ăn dặm bằng ngón tay, bố mẹ phải luôn luôn để mắt đến bé để đảm bảo thức ăn không bị vỡ ra dẫn đến nguy cơ mắc nghẹn.
Nếu mẹ vẫn cho con bú sữa ở giai đoạn này thì đó quả là điều tuyệt vời! Bạn nên cho con bú từ 3 đến 5 lần một ngày. Nếu bạn đang cho trẻ bú bình, hãy cho con bú 24 – 36 ounce sữa công thức mỗi ngày (1 ounce = 28g).
Giai đoạn 3: Từ 9 – 12 tháng tuổi
Các giai đoạn ăn dặm của bé: khi con được 9 tháng tuổi, hãy cho bé làm quen với các loại thực phẩm rắn hơn. Đứa trẻ đang đến gần sinh nhật đầu tiên của mình, thế nên bé cần phải làm quen với cách ăn này như một đứa trẻ đã lớn.
Giai đoạn từ 9 đến 12 tháng, thực phẩm trên bàn ăn trở thành một sự bổ sung thú vị cho chế độ cho ăn của bé. Lúc này, bố mẹ có thể tiếp tục giới thiệu các loại thực phẩm cắt nhỏ, thái lát hoặc nghiền nát như chuối thái hạt lựu, đào cắt nhỏ, cà rốt nấu chín.
Khẩu phần ăn lý tưởng cho bé mỗi ngày ở giai đoạn này: 2 phần trái cây (3 đến 4 muỗng canh); 2 – 3 phần rau (3 đến 4 muỗng canh); 2 phần thịt hoặc thực phẩm chứa Protein (3 đến 4 muỗng canh); 2 -3 phần ngũ cốc (3 đến 4 muỗng canh);bánh quy giòn hoặc bánh mỳ nướng và 3 đến 4 phần sữa công thức hoặc sữa mẹ ( mỗi phần từ 6 – 8 ounce )
Giai đoạn 4: Từ 12 – 15 tháng tuổi
Khi bé được một năm tuổi, bố mẹ nên nghĩ đến việc thiết kế khẩu phần ăn gồm bữa sáng, bữa trưa và bữa tối với bữa ăn nhẹ giữa mỗi bữa ăn. Ở tuổi này, thực phẩm rắn sẽ trở thành nguồn dưỡng chất chính mà bé tiêu thụ mỗi ngày.
Ở tháng thứ 12, Chuyên gia dinh dưỡng khuyên các bậc phụ huynh nên chuyển từ sữa bột sang sữa nguyên chất. Khi trẻ mới biết đi, chúng chỉ cần từ 16 – 20 ounce sữa ( 1 ounce = 28g) mỗi ngày, bởi vì cho bé ăn nhiều hơn lượng này chưa chắc đã tốt cho các con.
Nếu trẻ khát nhưng đã được cung cấp đủ lượng sữa trong ngày, bố mẹ hãy cho con uống thêm nước. Tuy nhiên, tổng lượng nước uống hàng ngày của bé không được vượt quá 4 ounce (1 ounce = 30 ml) mỗi ngày. Trẻ em dưới 2 tuổi không cần ăn kiêng vì chúng cần thêm chất béo từ các nguồn thực phẩm lành mạnh như sữa, pho mát và trứng để phát triển não bộ.
Chú ý khi cho bé ăn dặm
Việc mắc nghẹn sẽ vô cùng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, ở các giai đoạn ăn dặm của bé, bố mẹ không nên giới thiệu cho con những thực phẩm có thể gây nghẹn như:
- Rau sống và trái cây cứng (Trừ khi cắt mỏng)
- Nho (Trừ khi cắt nhỏ)
- Xúc xích (Trừ khi cắt thành miếng và lột bỏ hết phần da)
- Bắp rang bơ
- Đậu phộng và các loại hạt
- Bơ đậu phộng
Nếu chẳng may bé gặp rắc rối với đồ ăn trong giai đoạn tập ăn dặm, hãy đến gặp bác sỹ nhi ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho con. Và bố mẹ hãy nhớ cung cấp những thực phẩm phù hợp với trẻ theo từng giai đoạn nhé!