Tam cá nguyệt thứ nhất là gì ? Những xét nghiệm quan trọng trong tam cá nguyệt thứ nhất mẹ cần ghi nhớ

0
1666

Chắc hẳn nhiều ba mẹ vẫn đang còn băn khoăn không biết tam cá nguyệt thứ nhất là gì, tam cá nguyệt thứ nhất kiêng gì? Đây chính là ba tháng đầu thai kỳ – giai đoạn vô cùng nhạy cảm với cả mẹ và em bé trong bụng. Trong giai đoạn này, thai nhi mới thụ hình và mẹ sẽ cần nhiều thay đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình để đảm bảo an toàn cho con.

Thời kì này, cơ thể mẹ bắt đầu nhận được “tín hiệu” về chuyện bầu bí và bắt đầu thay đổi dần dần để chuẩn bị cho hơn 9 tháng “mang nặng” sắp tới. Bên trong cơ thể mẹ, các hormone có sự thay đổi mạnh mẽ và mẹ sẽ cảm nhận được điều đó qua một số dấu hiệu điển hình như: ốm nghén, mệt mỏi, đau đầu, căng tức vùng ngực, ứa nước miếng, đi tiểu nhiều, tâm tính thất thường, nổi mụn, thèm ăn vặt… Đăc biệt, ngực của mẹ cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn và bắt đầu căng tròn ra trong khi núm vú và quầng vú lớn và trở nên sẫm màu.

Mẹ hãy tưởng tượng cơ thể mình là một bộ máy và bộ máy này đang phải làm việc hết công suất cũng như thay đổi một phần không nhỏ kết cấu để sẵn sàng nuôi dưỡng một mầm sống mới. Vì vậy, mẹ không nên lo lắng khi cảm thấy bản thân thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ và thiếu sức sống.

Tam cá nguyệt thứ nhất là gì
Tam cá nguyệt thứ nhất là gì

Nhiều mẹ bầu còn gặp tình trạng đau đầu và chóng mặt khi đứng lên, ngồi xuống vì lượng máu đến não có thể bị thiếu hụt hoặc nguyên nhân do tình trạng đường huyết kém ổn định. Mẹ không cần tăng cân ngay từ tam cá nguyệt đầu tiên nhưng mức tăng từ 1kg đến 3kg là hoàn toàn bình thường, mẹ nhé.

Đa số các mẹ phải đến tuần thứ 12 của thai kỳ trở đi, các mẹ mới bắt đầu lộ bụng. Đối với những mẹ sinh con thứ sẽ nhanh thấy bụng hơn mẹ sinh con đầu lòng. Lúc này, mẹ hãy thay những bộ quần áo bó để chọn cho mình trang phục rộng rãi, thoải mái hơn nhé. Mẹ cũng cần lựa chọn những chiếc áo ngực với kích cỡ lớn hơn ngay từ bây giờ.

Đối với những mẹ mang thai ở tuổi 35 trở lên, nguy cơ sảy thai sẽ khá cao do khả năng gặp phải các bất thường nhiễm sắc thể. Vì vậy, trong giai đoạn này, mẹ cần chú ý bước siêu âm độ mờ da gáy cũng như thực hiện một số kỹ thuật xâm lấn nếu được bác sĩ chỉ định nhằm xác định trẻ có thể mắc hội chứng Down hay không.

Sự phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ nhất

Giai đoạn tuần thứ nhất và tuần thứ 2, phôi thai lúc này chưa có nhiều khác biệt, do đó, nếu siêu âm ở giai đoạn này vẫn chưa thể phát hiện ra sự có mặt của bé trong cơ thể mẹ. Những hình ảnh đầu tiên về bé sẽ được nhận thấy vào tuần thứ 3 của thai kì. Khi đó, bé chỉ nhỏ bằng một hạt đậu nhưng bạn vẫn có thể nghe thấy nhịp tim đầu tiên của bé khi đi siêu âm, bộ não và tủy sống cũng bắt đầu hình thành.

Giai đoạn tuần thứ 4, hình ảnh bé sẽ giống chú nòng nọc với đầu to và thân hình bé xíu cùng những chồi sẽ phát triển thành chân sau này. Trong cơ thể, các bộ phận như gan, thận, phổi cũng đang được hình thành. Trong tuần này, hàm, cằm, hai má của bé cũng bắt đầu lộ diện và thay đổi liên tục. Xương của bé dần được hình thành từ tuần thứ 5, các đường nét trên khuôn mặt bé cũng rõ dần, hình thành miệng và lưỡi. Nhất là não bộ của bé phát triển mạnh hơn với hàng triệu tế bào thần kinh được hình thành mỗi ngày.

Ở tuần thứ 6, khi đó bé vẫn chưa dài tới 1cm, đầu, trán vẫn to, thân mình bé xíu, bắt đầu hình thành chóp mũi. Ngón tay, chân, môi, mí mắt trở nên càng rõ nét hơn. Cũng trong tuần này, van tim đã xuất hiện, cùng với đó là các đường dẫn khí từ cổ họng đến phổi cũng được hình thành.

Tuần thứ 7, bé có tim thai. Mẹ có thể nghe thấy tim thai của bé bằng máy siêu âm và cảm nhận sự sống đang lớn dần lên trong cơ thể mình. Nghe tim thai sẽ giúp mẹ theo dõi và nhận biết thai nhi có khỏe không. Chính vì vậy, từ lúc này cho đến khi sinh, mỗi lần đi khám, bác sĩ đều nghe tim thai. Trong tuần này, mắt của bé to hơn và tai được hình thành. Thêm vào đó, lưỡi cũng bắt đầu xuất hiện trong vòm miệng.

Tam cá nguyệt thứ nhất
Tam cá nguyệt thứ nhất

Các ngón tay và ngón chân của bé hình thành rõ rệt hơn và bắt đầu có móng vào tuần thứ 8. Thời điểm này, bé đã có thể uốn cong tay, chân, nhúc nhích khuỷu tay, gập cổ tay. Cơ quan nội tạng trong cơ thể bé đã hoàn thiện đúng vị trí. Bước sang tuần thứ 9, mẹ đã có thể nhìn thấy hình dáng hoàn thiện của bé trên máy siêu âm. Lúc này, cơ thể bé sẽ không còn cuộn tròn mà bắt đầu duỗi ra. Đặc biệt, giai đoạn này, cơ quan sinh dục của bé cũng bắt đầu hình thành và phát triển.

Sang tuần thứ 10, kích thước của thai nhi lớn hơn nhiều so với 3 tuần trước, dài khoảng 3,2-4cm. Bé vận động nhiều hơn như đá, trườn, vặn, xoay người. Tuy vậy, vì bé còn nhỏ và tử cung của mẹ vẫn nằm trên đỉnh khung chậu nên mẹ chưa cảm nhận được rõ ràng những chuyển động của bé. Đây là lúc mà bụng của mẹ cũng trở nên rõ rệt hơn sau lớp áo.

Tuần thứ 11, hình thành thanh quản của bé. Ở thời điểm này, các tế bào thần kinh tăng lên nhanh và các khớp thần kinh kết nối các dây thần kinh trong não được hình thành. Bé có nhiều phản xạ hơn như xòe các ngón tay, đá chân, miệng tập mút. Khi bước sang tuần 12, tuần cuối cùng của tam cá nguyệt thứ nhất, bé đã hình thành dấu vân tay, cổ đã phát triển rõ hơn, cằm nhô ra và có những cử động ở khuôn mặt như cau mày, nheo mắt và vẫn có những chuyển động liên tục trong bụng mẹ.

Các xét nghiệm quan trọng trong tam cá nguyệt thứ nhất

Xét nghiệm nước tiểu

Mẹ sẽ phải xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem có bị nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh khác hay không. Trường hợp mẹ có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, các bài kiểm tra glucose giai đoạn đầu này sẽ xác định được và giúp mẹ có một chế độ ăn uống hợp lý.

Xét nghiệm máu

Việc xét nghiệm máu sẽ giúp các bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện thai phụ, bao gồm khám phụ khoa nhằm tìm ra những dấu hiệu bất thường có thể xảy ra. Sau đó, mẹ có thể được kiểm tra máu để xác định nhóm máu, tình trạng Rh và kiểm tra chứng thiếu máu ở bà bầu.

Các xét nghiệm trong tam cá nguyệt thứ nhất
Các xét nghiệm trong tam cá nguyệt thứ nhất

Các xét nghiệm sàng lọc khác

Đây là những xét nghiệm cho mẹ biết các thông tin về nguy cơ mắc hội chứng Down và các vấn đề dị tật bẩm sinh ở thai nhi được tiến hành như siêu âm đo độ mờ da gáy, Douple test, Triple test, NIPT – sàng lọc trước sinh không xâm lấn… Kết quả của những xét nghiệm này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé và thai kì của mẹ. Trường hợp mẹ quyết định tiến hành xét nghiệm sàng lọc NIPT từ tuần thứ 10 với kết quả âm tính thì mẹ sẽ không cần tiến hành một số xét nghiệm sinh hóa khác vào các tuần thai tiếp theo.

Cuối cùng, mẹ hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn cũng như làm những công việc mà bản thân yêu thích để giảm đi những mệt mỏi và căng thẳng trong tháng đầu tiên này. Nhất là, bé sẽ bắt đầu lớn lên rất nhanh từ tuần thứ 9 nên mẹ cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng về trang phục cho sự thay đổi kích thước này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây