Ăn dặm là giai đoạn rất quan trọng trong chặng đường phát triển thể chất ở trẻ. Không chỉ đơn thuần là các bữa ăn giúp nạp năng lượng cho con, quá trình ăn dặm còn định hình thói quen ăn uống của trẻ sau này. Những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm theo từng giai đoạn dưới đây sẽ giúp mẹ tránh được những sai lầm không nên đồng thời cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp con cao lớn, thông minh.
1. Những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm dưới 1 tuổi
Giai đoạn 4 – 6 tháng tuổi: giai đoạn khởi đầu
Đây là giai đoạn đầu tiên bé tập làm quen với thức ăn. Ở giai đoạn này có nhiều điều mẹ cần lưu ý.
– Thời điểm cho bé ăn dặm: khi nào nên cho bé ăn dặm? Khi bé 4 tháng tuổi, 5 tháng tuổi hay 6 tháng tuổi? Câu hỏi này được rất nhiều mẹ đặt ra trong các buổi hội thảo ăn dặm đặc biệt là những mẹ lần đầu có con. Câu trả lời là theo tổ chức WHO khuyến cáo 6 tháng là thời điểm ăn dặm phù hợp ở trẻ nhỏ vì lúc này hệ tiêu hóa của con đã sẵn sàng đón nhận các loại thức ăn có dạng sánh đặc hơn sữa mẹ. Tuy nhiên, có không ít bé lại mang biểu hiện ăn dặm vào tháng thứ 5 hoặc thậm chí là tháng thứ 4 đã có “mong muốn” ăn dặm. Vậy mẹ có nên cho bé ăn dặm vào thời điểm này không? Câu trả lời là có. Hãy cho con bắt đầu ngay khi có sẵn sàng ăn dặm và biểu hiện muốn ăn dặm là câu trả lời con đã sẵn sàng bước vào hành trình này rồi.
– Lượng thức ăn của bé: tùy theo từng phương pháp ăn dặm mẹ lựa chọn cho bé mà có lượng thức ăn phù hợp. Với ăn dặm kiểu Nhật thì 2 tuần đầu bé chỉ ăn 5 – 15ml cháo trắng theo tỉ lệ gạo : nước tương ứng 1:10 nhưng với phương pháp ăn dặm truyền thống thì bé mới tập ăn sẽ bắt đầu với 1 thìa bột ăn dặm khô trước sau đó tăng dần.
– Bé ăn mấy bữa 1 ngày: ăn dặm chỉ là các bữa ăn phụ, mẹ vẫn cần duy trì lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức cho bé bình thường. Mỗi ngày cho bé ăn thêm 1 bữa ăn dặm. Duy trì 1 bữa trong suốt tháng đầu tiên, sang đến tháng thứ 2 có thể tăng dần lên 2 bữa và tăng lượng ăn mỗi bữa của trẻ dần dần.
>>> Bé ăn dặm với trứng gà như thế nào là tốt nhất ?
– Thực phẩm cho bé trong giai đoạn này: bé chủ yếu ăn nhóm tinh bột ngoài ra mẹ có thể thử nhóm rau củ và trái cây sau 2 tuần đầu tiên. Tiếp theo mẹ có thể cho bé ăn các loại thực phẩm giàu protein như trứng, cá, thịt động vật, … trong các tuần tiếp theo. Lưu ý với các thực phẩm này, mẹ cần hấp chín và nghiền nhuyễn, lọc qua rây thực phẩm.
– Tuyệt đối không nêm bất kỳ gia vị ăn dặm gì cho bé kể cả dầu ăn dặm.
Giai đoạn 6 – 8 tháng: đa dạng nguồn thực phẩm
– Độ thô thực phẩm: bé vẫn chưa thể ăn được các loại thực phẩm có độ thô nên mẹ vẫn cần nghiền nhuyễn và lọc thực phẩm qua rây để đảm bảo bé có thể ăn được.
– Mẹ có thể đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo các nhóm tinh bột, rau củ trái cây và protein có mặt trong bữa ăn của bé.
– Giai đoạn này mẹ có thể nêm dầu ăn dặm vào bột hoặc cháo của trẻ.
– Khi đến 8 tháng tuổi, bé bắt đầu ăn được 1 số loại bơ, váng sữa ăn dặm và bánh ăn dặm.
Giai đoạn 8 – 10 tháng tuổi: kích thích vị giác qua thức ăn kết hợp
– Tăng lượng thức ăn: đến giai đoạn 8 – 10 tháng tuổi, bé cần ăn nhiều hơn giai đoạn trước. Mẹ nên tăng lượng thức ăn mỗi bữa và tăng số lượng bữa ăn lên 2 – 3 bữa/ngày.
– Đa dạng mùi vị: mẹ có thể kết hợp 2 loại thực phẩm trong cùng món ăn cho bé để bé làm quen dần với thức ăn kết hợp. Lưu ý tránh các thực phẩm kết hợp gây ngộ độc cho trẻ và các loại thực phẩm gây dị ứng.
– Không nêm gia vị: cơ thể bé vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận thêm muối hay đường hay bất kỳ loại gia vị gì khác. Mẹ có thể dùng dầu ăn dặm khi chế biến thức ăn cho bé. Tuyệt đối không dùng mật ong cho bé dưới 1 tuổi.
>>> Những điều mẹ cần biết khi chuẩn bị cho bé ăn dặm ?
Giai đoạn 10 – 12 tháng tuổi:
– Lượng thức ăn trong ngày: bé cần 2 – 3 bữa chính như người lớn ngoài ra cần thêm 1 – 2 bữa phụ để bổ sung thêm năng lượng cho giai đoạn tập đi, chạy nhảy này. Lượng thức ăn mỗi bữa cũng cần điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của từng bé.
– Độ thô của thức ăn: mẹ có thể cắt nhỏ thức ăn thành từng khúc và để bé tự ăn. Tuy nhiên bé vẫn cần thực phẩm chín và đủ mềm vì 1 tuổi răng bé cũng chưa mọc hết, việc nhai nuốt vẫn chưa dễ dàng.
– Bé vẫn chưa nên uống sữa tươi: nhiều bé tỏ ra không thích thú với sữa công thức trong giai đoạn này nữa nhưng mẹ cũng chưa cho bé uống sữa bột pha sẵn hay sữa bò vội. Đến khi bé 1 tuổi hoặc tốt nhất là 2 tuổi hãy bắt đầu làm quen với thức uống này.
2. Những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm trên 1 tuổi
Đối với trẻ trên 1 tuổi, bữa ăn của con có nhiều thay đổi đặc biệt là các giới hạn về thực phẩm, gia vị đã bị xóa bỏ.
– Đa dạng thực phẩm: hầu hết các loại thực phẩm người lớn ăn được bé cũng có thể ăn được.
– Duy trì chế độ 3 bữa chính và 2 bữa phụ
– Mẹ có thể nêm các loại gia vị cho bé nhưng lưu ý trẻ nhỏ có khẩu vị nhạt hơn người lớn.
– Bé có thể ăn được mật ong
– Bé tự xúc được đồ ăn và có thể ăn cơm: giai đoạn này rất quan trọng, ngoài việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, mẹ cần rèn cho con thói quen ăn cùng giờ với gia đình và tự xúc cơm.
Trên đây là những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm theo từng giai đoạn. Mẹ đừng quên áp dụng để cùng con ăn dặm không còn là cuộc chiến nhé!